Có rất nhiều điều mà du học sinh khi đi du học cần phải quan tâm. Trong đó có vấn đề thủ tục trước giờ bay mà các du học sinh cần nhớ. Hôm nay, Du học Thanh Giang sẽ cung cấp một số thông tin sau:
Có hai cách bay:
– Bay trực tiếp: Chuyến bay trực tiếp tới nơi cần đến
– Bay quá cảnh: Quá cảnh (transit) hay còn gọi là chuyển tiếp qua một sân bay trung gian

Để lên được máy bay: Hộ chiếu và vé
Bạn phải có hộ chiếu còn thời hạn, visa của nước bạn đến còn thời hạn và vẫn sử dụng được, và vé máy bay thì mới đi được. Visa (tức là “thị thực”) là “Giấy phép cho nhập cảnh” được đại sứ quán hay lãnh sự quán của nước bạn đến đóng vào hộ chiếu cho bạn khi bạn đến xin visa vào nước họ. Một số nước sẽ không cần visa, ví dụ người Việt Nam đi Singapore không cần visa mà chỉ cần hộ chiếu, khi nhập cảnh người ta sẽ đóng visa 30 ngày cho bạn ngay tại sân bay trước khi bạn bước ra ngoài. Đây là hiệp định “miễn thị thực” của các nước Đông Nam Á với nhau. Sang Nhật thì bạn cần xin visa, thường có loại nhiều lần (có thể vào Nhật nhiều lần trong thời hạn còn visa) hay loại một lần (dùng một lần là bị đóng dấu đã sử dụng, lần sau phải xin visa lại), giá loại nhiều lần thường mắc hơn.
Cần có mặt ở sân bay trước ít nhất 2 tiếng
Bạn phải coi chừng mất thời gian hơn cần thiết ví dụ đợi taxi hay bị kẹt xe. Do đó, nên xuất phát sớm. Phải làm sao có mặt trước giờ bay ít nhất 2 tiếng, với hộ chiếu và vé máy bay trên tay. Quên một trong hai thứ này là sẽ tèo.
Vé máy bay thường là một tờ giấy in hành trình bay, giờ bay và mã số của bạn trên đó. Một số hãng gửi email cho bạn, hay gửi file pdf và bạn tự in ra. Tuy nhiên, nếu bạn mua ở đại lý vé hay quầy vé của hãng máy bay thì bạn nhận được tờ giấy này hay tờ vé thực sự. Gần đây, việc dùng E-Ticket (tức là vé điện tử, gửi vào Email của bạn và bạn in ra) khá phổ biến thay cho vé truyền thống.
Vì sao cần có mặt sớm như vậy?
Vì không phải bạn làm thủ tục được ngay, để làm thủ tục bạn phải xếp hàng, có những hôm rất đông, nhất là những hôm dồn chuyến. Qua cổng an ninh cũng thế, có thể sẽ rất đông. Nếu không tới sớm có thể bạn sẽ xếp hàng quá cả thời gian bay và lỡ chuyến bay. Nếu có nguy cơ như vậy hãy bàn bạc với nhân viên quầy xin làm sớm.
Trình tự thủ tục ở sân bay
Bạn cần phải làm các việc:
– Gửi hành lý ký gửi: Là hành lý bạn ký gửi và không xách lên máy bay (bạn chỉ được xách túi không quá 7kg lên máy bay), nếu bạn không mang hành lý ký gửi thì khỏi cần ký gửi, nhưng trường hợp này hiếm nếu bạn đi lần đầu và cần mang nhiều đồ.
– Lấy vé lên máy bay, gọi là Boarding Pass, trên vé này ghi cổng (Gate) ra sân bay, giờ có mặt tại cổng (Gate), số ghế của bạn
– Đi qua cổng an ninh, quét hành lý xách tay ở cổng an ninh: Bạn chính thức VÀO TRONG sân bay
– Đến cổng lên máy bay (Gate) của bạn, đợi tới giờ được lên thì lên máy bay
Khá đơn giản phải không? Nhưng nếu bạn đi lần đầu thì sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Biết nguyên lý của sân bay sẽ khiến bạn dễ hình dung hơn.
Nguyên tắc cần nhớ
– Nguyên tắc: KHÔNG BAO GIỜ để giấy tờ quan trọng hay đồ đạc quý giá trong hành lý ký gửi. Hãy xách tay theo người. Đồ đạc ký gửi có thể thất lạc, bị mở khóa, v.v… có rất nhiều rủi ro. Máy tính, điện thoại nếu được cũng nên đem theo người.
– Gửi hành lý ký gửi và lấy vé lên máy bay Boarding Pass
Việc đầu tiên khi đến sân bay (phải trước ít nhất 2 tiếng hoặc hơn!) là bạn tìm quầy làm thủ tục của mình để gửi hành lý ký gửi và lấy vé lên máy bay Boarding Pass. Chú ý là sân bay thường chia ra thành (thường là tầng khác nhau):
– Nơi đến (Arrival): Là nơi mà các chuyến bay đến, bạn chỉ đến đây nếu đón người thân từ nước ngoài về thôi
– Nơi đi (Departure): Là nơi làm thủ tục để bay đi, bạn phải đến đây
– Quầy làm thủ tục: Thường có nhiều quầy, ví dụ đánh theo số (1, 2, 3, 4, …), hay đánh theo chữ (A, B, C, D, ….) hay cả hai (A1, A2, …, B1, B2,….), bạn phải tìm quầy của hãng hàng không mà bạn đi, ví dụ hãng ANA. Thường sân bay sẽ có bảng điện tử các chuyến bay đi và bay đến, với các chuyến đi thì họ sẽ ghi tên quầy làm thủ tục, ví dụ quầy 15 ~ 20 chẳng hạn. Bạn tìm đúng hãng bay của mình, kiểm tra lại số chuyến bay, nơi đến xem có đúng không (ví dụ ANA1234 Tokyo), nếu đúng thì nhào vào làm thủ tục.
Chú ý là có thể cùng một hãng, ví dụ JAL, nhưng có thể một số quầy làm cho chuyến bay đi Nagoya, một số quầy làm thủ tục đi Tokyo nên bạn phải kiểm tra số hiệu chuyến bay và đích đến trước rồi hãy nhào vào.
– Ký gửi hành lý và lấy Boarding Pass
Tại quầy làm thủ tục thì bạn đưa Hộ chiếu và Vé máy bay ra, nhân viên sẽ yêu cầu bạn cân hành lý gửi xem có quá cân hay không. Nếu không quá cân (hay quá ít) thì họ làm thủ tục nhận ký gửi hành lý cho bạn. Họ sẽ dán phiếu có mã số vào hành lý ký gửi của bạn và đưa cho bạn cuốn phiếu hay dán nó vào Boarding Pass của bạn. Hãy nhớ kiểm tra xem đích tới có đúng không, ví dụ sân bay Narita thường ghi là NRT- TOKYO.
Nếu bạn đi quá cảnh: Ví dụ bạn tới Narita, Tokyo nhưng lại quá cảnh ở sân bay Incheon, Seoul (Hàn Quốc), để cho rẻ hơn hay hết vé bay trực tiếp chẳng hạn, thì khi nhân viên máy bay hỏi hành lý gửi đến đâu bạn phải trả lời là “Tới Narita, Tokyo, Nhật Bản” chứ không phải là đến Incheon, Seoul nhé. Nếu bạn nói nhầm, hành lý của bạn sẽ tới Seoul và nằm ở đó mà không tới Tokyo cùng bạn. Bạn phải kiểm tra sẽ phiếu ký gửi có ghi đúng là NRT – TOKYO không, và nên xác nhận lại với nhân viên quầy. Bạn có thể thắc mắc là bạn đi Tokyo thì tại sao lại hỏi là gửi hành lý tới đâu? Việc này có lý do vì có thể một số người quá cảnh ở Seoul nhưng họ lại nhập cảnh vào Seoul chơi vài ngày rồi mới sang Tokyo. Nếu bạn ra khỏi sân bay ở Seoul thì bạn phải cầm hành lý ký gửi theo bên mình.
– Số hiệu chuyến bay
Chuyến bay bao giờ cũng có số hiệu để phân biệt với nhau, ví dụ JAL1234 chẳng hạn. Bạn cần nắm rõ số hiệu này cũng như đích đến của mình, ví dụ Tokyo, tránh việc cứ thấy JAL là nhào vào rồi phát hiện là máy bay này đi Kansai (Osaka).
Tuy nhiên, một chuyến bay có thể có 2 tên do 2 hãng hợp tác với nhau, ví dụ JAL và VNA hợp tác nhau thì nếu bạn mua vé từ JAL bạn sẽ nhận số hiệu chuyến bay là JALxyzt gì đó, còn mua của VNA thì lại là VNAabcd gì đó. Trên bảng điện tử có thể sẽ hiện hai tên chuyến bay cùng một giờ bay và cùng một quầy là vì vậy.
Khác nhau là gì? Nếu bạn mua vé JAL thì vé sẽ mắc hơn và bảo hiểm rủi ro sẽ cao hơn, nhìn chung là sang trọng hơn!
Trên đây là những thông tin mà Du học Thanh Giang chúng tôi tìm hiểu được. Chúc các du học sinh trang bị được đầy đủ kiến thức để chuẩn bị cho hành trang du học của mình.