Nhật Bản là đất nước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, từ kinh tế, văn hoá cho đến giáo dục. Vì điều đó mà việc học hỏi những điều hay của Nhật Bản là điều mà nhiều đất nước đang làm.
Trong khi đọc các bài viết về Nhật Bản, Du hoc Thanh Giang có bắt gặp bài viết về những ngày lễ kỷ niệm của người Nhật qua bài viết “Nước Nhật trong tôi” của tác giả Trần Tuấn Nam. Vì thế, Thanh Giang xin được mạn phép trích bài viết về để các bạn cùng đọc, cùng hiểu về con người, đất nước Nhật Bản qua một cách nhìn mới, một cách nhìn khá mới mẻ của tác giả. Hãy cùng Thanh Giang cảm nhận bài viết này nhé:
Tính cách con người trong một cộng đồng (hay xã hội, nhìn ở góc độ vĩ mô) quyết định bộ mặt và lề lối ứng xử trong cộng đồng (xã hội) ấy. Xã hội Nhật Bản có nhiều điều đáng để chúng ta nhìn vào và soi rọi với tình hình xã hội trong nước. Nhìn để ngẫm, để học, để thấy cái chưa hay, rồi từng bước góp phần thay đổi. Để mở đầu chuỗi câu chuyện về đề tài này, mình muốn kể về câu chuyện ngày nghỉ và ngày lễ ở nước Nhật.
SUY NGHĨ VỀ NGÀY KỶ NIỆM
Có lẽ Nhật Bản là một trong những nước có nhiều ngày nghỉ cho người dân nhất trong năm, với những cái tên ngày lễ như sau: ngày Xuân phân, ngày Màu xanh, ngày Biển cả, ngày Thể thao, ngày Thành nhân, ngày Cảm ơn lao động, ngày Trẻ em, ngày Kính lão… chia đều ra trong năm, hầu như tháng nào cũng có 1-2 ngày nghỉ.
Vậy mà trong suốt một năm dày đặc ngày nghỉ như vậy, hoàn toàn không có ngày kỷ niệm hoặc tôn vinh cho một ngành nghề, một đối tượng xã hội nào cả.
Phụ nữ Nhật không hề có ngày kỷ niệm để được nhận quà. Bác sĩ, nhà báo, nhà giáo, doanh nhân… cũng chẳng có nốt. Ngày Quốc gia (sinh nhật Nhật Hoàng, được Nhật Bản chọn làm ngày quốc khánh trong nghi lễ ngoại giao) và ngày Lập quốc (tương đương ngày quốc khánh không chính thức) hoàn toàn không cờ hoa biểu ngữ rầm rộ.
Nó phản ánh điều gì? Nó cho thấy một xã hội đạt đến trình độ hài hòa và tiến bộ chuẩn mực. Không còn bất bình đẳng giới. Mọi đối tượng nghề nghiệp, giai tầng trong xã hội ấy được nhìn nhận ngang hàng như nhau.
Không có khái niệm “nghề cao quý”, càng không có sự xếp hạng của nhóm chiếu trên chẳng hạn như cách tôn vinh “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”! Người lao động trong xã hội ấy được trả lương xứng đáng đủ mang lại cho họ cuộc sống hạnh phúc trọn 365 ngày trong năm, được sự tôn trọng và trân trọng thực chất từ xã hội và những người xung quanh, mà không cần thêm bất kỳ một ngày lễ nào nữa để được hưởng cảm giác ngập tràn hoa quà và lời chúc tụng xã giao.
Nhìn lại trong nước, cá nhân mình có quan điểm và mong muốn thế này. Những ngày lễ lạt kỷ niệm ngành nghề đã hoàn thành vai trò lịch sử trong thời kỳ đất nước khó khăn (những năm bao cấp và thập niên 90).
Thời kỳ mở cửa và hội nhập như bây giờ, mặt bằng loại hình ngành nghề trong xã hội đã nở rộ, quy mô kỷ niệm của mỗi ngành nghề và đối tượng xã hội nên thu hẹp trong phạm vi nội bộ, bớt rình rang tốn kém. Những giá trị đạo đức nhân danh cần đưa về đúng đối tượng, đúng chỗ.
Không thần thánh hóa, không cao quý hóa, không tự đắc hóa. Cá nhân mỗi người, mỗi ngành nghề và cả xã hội bớt phô trương bề nổi, để có thời gian tích lũy và lắng đọng chiều sâu, mới tạo ra “giá trị” tinh hoa.
Theo: Trần Tuấn Nam – Nước Nhật trong tôi