Câu chuyện về việc làm thêm tại Nhật Bản

Sinh viên FU có nhiều “duyên nợ” với Nhật Bản, hẳn là thế khi tính ra không biết bao nhiêu lứa sinh viên đã từng đặt chân đến Nhật hay hiện tại đang học và làm tại xứ Mặt trời mọc này nhờ các chương trình hợp tác quốc tế của FU. Và Arubaito là câu chuyện mà dường như ai trong số họ cũng có thể ít nhiều kể cho bạn nghe.

Cứu cánh tài chính của các sinh viên FU sang Nhật du học chính là Arubaito – công việc làm thêm mang lại thu nhập cho sinh viên, du học sinh thậm chí cả tu nghiệp sinh với màng túi rất mỏng, ở một đất nước đòi ví luôn rất dày.

Arubaito của bạn là gì tùy thuộc rất nhiều vào khả năng tiếng Nhật của bạn, và dĩ nhiên thu nhập cũng biến thiên theo. Các loại công việc Arubaito phổ biến ở Nhật là rửa bát, quét dọn, làm trong các dây chuyền sản xuất, bồi bàn, phụ bếp, bán hàng, thu ngân, phiên dịch…

Để được làm Arubaito ở Nhật, bắt buộc phải có giấy giới thiệu của trường và giấy phép của chính phủ Nhật. Thông thường, du học sinh nước ngoài đang theo học tại các trường tiếng Nhật hoặc các trường đại học tại Nhật được phép đi làm 28 tiếng 1 tuần, tương đương với 112 tiếng 1 tháng. Riêng các kì nghỉ xuân hoặc nghỉ hè, sinh viên có thể được cấp phép làm nhiều hơn số giờ quy định trên. Mọi thông tin về nơi làm việc, lương bổng, các khoản thu nhập, số giờ làm việc của sinh viên đều được quản lí chặt chẽ và giám sát nghiêm ngặt của Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi xã hội Nhật bản.

Thu nhập của Arubaito sau 8h tối cao hơn Arubaito ban ngày, và các việc chân tay có thu nhập thấp hơn các việc khác. Tính trung bình, công việc như rửa bát, quét dọn sẽ kiếm được khoảng 750 Yên một giờ làm việc và không phải đóng thuế thu nhập. Thu nhập cho buổi tối của công việc loại này tăng thêm khoảng 30 ngàn VNĐ một giờ so với ban ngày. Với việc thu ngân, bán hàng, thu nhập có thể từ 850 Yên trở lên một giờ. Những công việc đó yêu cầu khả năng tiếng Nhật khá cao: 1 kyu (trình độ cao nhất trong tiếng Nhật). Tùy từng đối tượng mà mức thuế sẽ áp dụng khác nhau, nhưng thông thường với người độc thân, là sinh viên, mà có thu nhập trên 103 Man yên (260 triệu VNĐ) 1 năm thì sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Cho nên, đối với những sinh viên đã có những khoản thu nhập từ trường đại học, mà muốn có thêm thu nhập từ việc làm thêm thì phải tính toán rất kĩ để tránh việc phải đóng thuế khá tốn kém.

du học sinh Nhật Bản

Nhưng việc làm thêm tại Nhật Bản không chỉ là câu chuyện về tăng thêm thu nhập và trang trải một phần sinh hoạt phí ở một trong những môi trường đắt đỏ nhất thế giới. Arubaito là câu chuyện về cơ hội giao tiếp nhiều, có thêm kinh nghiệm sống và nâng cao khả năng tiếng Nhật – thứ sẽ giúp bạn tiến đến với những Arubaito có thu nhập cao hơn. Arubaito còn nhằm nâng cao sức khỏe và sự minh mẫn, bởi làm việc ở Nhật rất nghiêm túc, mọi người đều phải hăng say, làm xong việc của mình thì sẽ làm cả việc của người khác trong team nếu họ chưa xong. Ở Úc nếu người chủ trả thêm tiền thì chưa chắc nhân viên đã đi làm thêm, nhưng ở Nhật dù không được thêm lương – người ta vẫn sẵn sàng sống chết để hoàn thành công việc. Thú vị nhất, Arubaito giúp ta hiểu biết hơn về con người, văn hóa, lối sống, phong cách làm việc của người Nhật mà nếu không đi làm thêm sẽ khó biết được.

Arubaito tại Đại học Kyutech, Iizuka qua “kênh thế giới”:

Tôi từng được học tại Trường Đại học Kyutech, Iizuka theo chương trình trao đổi sinh viên với Đại học FPT. Ở thành phố này, công việc tay chân đơn giản như rửa bát, quét dọn khá khan hiếm. Đây là khó khăn cho những người mới sang mà muốn đi làm ngay. Sinh viên Việt Nam và các nước khác ở đây đều phải đi làm ở các thành phố khác, và lại phải vào ban đêm, vô cùng vất vả. Những công việc lương cao hơn như thu ngân tại siêu thị, bán hàng tại các cửa hàng tạp hóa, nhạc cụ… yêu cầu tiếng Nhật 1 kyu nên đa phần toàn người Trung Quốc làm, vì tiếng Nhật của họ rất khá. Điều này xuất phát từ việc người Trung Quốc học tiếng Nhật vô cùng dễ dàng do có chung bảng chữ Kanji (Hán Tự).

Hầu hết sinh viên nước ngoài của trường Kyutech đều phải làm thêm nếu là dạng du học tự túc. Đa phần làm tại các Combini, siêu thị Trial, Halloday. Chủ yếu là công việc chân tay và thời gian đa phần là từ 6h tối đến 10h tối. Một số ít sinh viên phải làm từ 10h tối đến 4h sáng. Sinh viên Nhật cũng đi làm thêm để trang trải thu nhập. Họ làm trong các tiệm sách, cửa hàng băng đĩa, siêu thị… với mức thu nhập như người nước ngoài. Một số người bạn của tôi làm trong bộ phận nhà bếp của bệnh viện Iizuka, với mức lương tạm ổn: 750 Yên một giờ. Được một bữa ăn trưa miễn phí như nhân viên của bệnh viện và được khám sức khỏe định kì hàng tháng miễn phí.

Xã hội Nhật là một xã hội rất văn minh, hiện đại. Chọn người làm cũng có nhiều yếu tố khác chi phối. Với hai ứng viên có cùng năng lực xin việc, người ta có thể sẽ chọn người có chiều cao tốt hơn (nếu là nam) và ngoại hình đẹp hơn (nếu là nữ). Cùng là hai sinh viên xin việc ở một cửa hàng ăn, chủ quán sẽ ưu tiên sinh viên Nhật hơn là sinh viên nước ngoài. Bởi người Nhật tin tưởng người Nhật nhất, họ thật thà, chất phác và trung thành đến tuyệt đối. Nhất là với các công việc liên quan đến tiền nong, kiểm kê tài chính trong cửa hàng thì đa phần là người Nhật nắm giữ vị trí đó chứ không phải người nước ngoài. An toàn, một chút thực dụng, đầy nghiêm túc là những gì ta có thể nhận xét về môi trường làm việc ở Nhật.

Bản thân tôi cũng có kinh nghiệm đi xin việc ít nhất 5 lần tại Iizuka trong quá trình học ở Kyutech: cửa hàng bán nhạc cụ Yamaha, siêu thị Trial, siêu thị Halloday, cửa hàng ăn nhanh Yahata, bếp ăn trường Kyutech… Do thời gian ở lại quá ngắn (visa còn 6 tháng) nên tôi không thể đi làm được, họ chỉ ưu tiên khi bạn có thể ở lại Nhật lâu dài, đảm bảo công việc không bị gián đoạn; nhưng phần nào qua đó tôi cũng hình dung được về Arubaito, về những khó khăn mà các sinh viên nước ngoài đang phải trải qua ở đây.

Thay lời kết

Nhật Bản là mảnh đất giàu có và khát nhân lực trẻ. Thừa nhận rằng đi làm ở Nhật kiếm tiền cực kì giá trị, dư dả hơn so với nhiều nước khác, dẫu thế nhưng bên cạnh đồng tiền luôn đi kèm không ít “chướng ngại vật”. Với những bạn đang nuôi ý định sang Nhật học tập và làm việc, cần chuẩn bị kĩ năng quản lý thời gian thật tốt, trau dồi tiếng Nhật cật lực trước khi sang. Hi vọng với nhiệt huyết thanh niên, tình cảm dành cho đất nước con người xứ phù tang, cơ hội sẽ luôn mỉm cười với người Việt trẻ chúng ta. Đừng quên học tiếng Nhật thật tốt vào nữa.

Check Also

Du học Thanh Giang chia sẻ phần mềm học tiếng nhật hiệu quả

Cài đặt và gõ tiếng Nhật trên máy tính- Du học Thanh Giang

Tại bài viết này, Akira sẽ hướng dẫn các bạn cách cài đặt và sử …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *